Viglacera tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Khoa học công nghệ 2013
Ngày 15/08/2013 tại trụ sở số 1 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, Tổng công ty Viglacera đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Khoa học công nghệ 2013 và các năm tiếp theo đồng thời thành lập Ban chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của Tổng công ty.
Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Chủ tịch HĐTV Luyện Công Minh; Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn; Các Phó Tổng giám đốc; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Viglacera, PGS - Tiến sĩ Trần Ngọc Tính; Giám đốc, Phó giám đốc các đơn vị khối sản xuất, Giám đốc các Trung tâm, đại diện các Phòng ban của Viện Nghiên cứu Phát triển Viglacera cùng các cán bộ phụ trách kỹ thuật, công nghệ của các đơn vị khối sản xuất Kính; Sứ -Sen vòi; Gạch ốp lát và Gạch ngói đất sét nung.
Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác Khoa học công nghệ 2013
Trong khuôn khổ Hội nghị, các vấn đề đã được đề cập: công tác nghiên cứu khoa học, bao gồm đề xuất các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các giải pháp khoa học công nghệ cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong TCT; Công tác nhân sự: Thành lập Ban chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của TCT và nguồn ngân sách phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.
Tại Hội nghị với sự nhất trí cao của các đại biểu, TCT Viglacera đã thành lập Ban chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của Tổng công ty do Tổng giám đốc Tổng công ty - Nguyễn Anh Tuấn trực tiếp là Trưởng ban chỉ đạo; Viện trưởng Viện NC & PT Viglacera, Trần Ngọc Tính là Phó Ban thường trực. Hội nghị cũng thống nhất với việc bầu ra Ban cố vấn và phân công chức năng, nhiệm vụ của 4 tiểu ban, gồm có: Tiểu ban Kính, do Ông Hoàng Kim Bồng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty - Trưởng tiểu ban; Tiểu Ban Sứ - Sen vòi do Ông Ngô Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Sứ Viglacera Thanh Trì - Trưởng tiểu ban; Tiểu Ban Gạch ốp lát do Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty - Trưởng tiểu ban; Tiểu Ban Gạch ngói đất sét nung do Ông Nguyễn Bá Uẩn, Giám đốc Ban GNĐS nung – Trưởng tiểu ban.
Ban chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học công nghệ của Tổng công ty Viglacera có nhiệm vụ Nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới; Nâng cao hiệu quả sản xuất, khả nâng cạnh tranh sản phẩm bằng các cải tiến kỹ thuật, nâng cấp chất lượng, giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, tăng năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ thu hồi; Áp dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao tài nguyên và bảo vệ môi trường; Áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất; Khảo sát, đánh giá, xác định nhu cầu khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển của toàn Tổng công ty theo từng nhóm ngành nghề và từng đơn vị cụ thể; Lập kế hoạch, chương trình triển khai các đề tài; Tổ chức triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng bám sát các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất của TCT; Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ, có năng lực chuyên môn và khả năng giảng dạy đáp ứng mục tiêu đào tạo của Tổng công ty; Tổ chức họp giao ban hàng tháng đánh giá định kỳ chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, Trưởng tiểu ban có trách nhiệm : Lựa chọn, đề cử, bổ sung các cán bộ, chuyên gia có kinh nghiệm tham gia Tiểu ban khi cần thiết ; Phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên trong Tiểu ban bằng văn bản; Tổ chức họp định kỳ để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ qui định.
Phát biểu tại hội nghị Tổng giám đốc TCT Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt hiện nay, hầu hết các Công ty làm ăn có hiệu quả trong khối Kính, Sứ, Gạch ngói đất sét nung... đều là do chú trọng đầu tư vào các giải pháp công nghệ, vì thế chất lượng sản phẩm được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Cùng với việc phát triển nguồn nhân lực, vấn đề KHCN sẽ được TCT chú trọng và triển khai mạnh mẽ nhằm đưa ra các giải pháp, thống nhất các bước thực hiện các đề tài khoa học, áp dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm mang lại hiệu quả cao nhất tại các đơn vị sản xuất trong TCT”.
PGS - Tiến sĩ Trần Ngọc Tính - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Viglacera phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác Khoa học công nghệ 2013
Tại Hội nghị các đơn vị thành viên trong TCT cũng đã thống nhất chủ trương và các định hướng, sẽ hỗ trợ nhau về nguồn lực, về nhân sự cũng như các giải pháp công nghệ để góp phần vào việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm của các khối trong giai đoạn hiện nay.
Trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013, Viện Nghiên cứu Phát triển Viglacera đã và đang triển khai thực hiện 15 đề tài khoa học công nghệ và ứng dụng, trong đó bao gồm 07 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp Nhà nước, 06 đề tài cấp Tổng công ty. Với việc thành lập Ban chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, trong thời gian tới Viện Nghiên cứu Phát triển Viglacera sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất cho TCT.
Viện Nghiên cứu Phát triển Viglacera tiền thân là Ban Nghiên cứu và Phát triển Viglacera, được thành lập ngày 11/11/2010. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Phát triển có 4 trung tâm: Trung tâm thí nghiệm; Trung tâm gốm sứ xây dựng; Trung tâm thủy tinh và vật liệu mới; Trung tâm công nghệ thông tin và tự động hóa. Trong đó, Trung tâm thí nghiệm của Viện Nghiên cứu Phát triển được trang bị thiết bị hiện đại, thế hệ mới nhất của Châu Âu, Nhật Bản… phục vụ cho các lĩnh vực nghiên cứu, thí nghiệm và kiểm định vật liệu xây dựng, như thiết bị huỳnh quang tia X (XRF), thiết bị nhiễu xạ tia X (XRD), thiết bị phân tích tán xạ laze, kính hiển vi phân cực và phản quang…Hiện nay, tổng số cán bộ công nhân viên của Viện là 18 người, bao gồm 01 tiến sỹ, 03 thạc sỹ và các kỹ sư thuộc các chuyên ngành vật liệu, hóa, cơ khí…
Chức năng và nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Phát triển: Là đầu mối hợp tác nghiên cứu khoa học với các đối tác trong và ngoài nước; Nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm mới và tham gia chuyển giao công nghệ; Thí nghiệm và kiểm định các loại nguyên nhiên vật liệu và sản phẩm; Thực hiện dịch vụ đo kiểm các thông số công nghệ, môi trường; Tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; Tham gia đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học.
Một số hình ảnh tại Hội nghị Triển khai công tác Khoa học công nghệ 2013: